DU HỌC NGHỀ ĐỨC, MIỄN HỌC PHÍ

Kinh nghiệm luyện thi Ielts 8.0 trong vòng 1 tháng

“ Chào các bạn. Hôm nay rảnh rỗi, cũng xin được phép tản mạn 1 chút về IELTS. Không dám gọi đây là bài chia sẻ kinh nghiệm gì cả, chỉ đơn giản là 1 bài nhật kí nho nhỏ mà mình viết ra để mọi người có thể thưởng thức và hiểu hơn về 1 phần cuộc đời của mình.
Giới thiệu bản thân mình 1 chút chứ nhỉ. Tại hạ tên Kiên, họ Lê, đến từ Ngoại thương Hà Nội. Năm nay mình cũng sắp tròn 21, tức là cũng sắp bị tổng cổ ra khỏi ghế đại học rồi đấy. Tháng 8/2015 vừa rồi, mình vừa có 1 trải nghiệm khá thú vị với IDP Hà Nội và bây giờ mình ngồi đây, sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm ấy với cái bạn. Dưới đây là những gì mình gọi là đạt được sau kì thi hôm ấy:
Listening: 9.0; Reading: 8.5; Writing: 7.5; Speaking: 7.0
Như các bạn thấy đó, mình học khá lệch thì phải! Thực ra cũng phải nói là buổi thi không có gì căng thẳng cả, ngoại trừ việc mỗi lần bạn đứng dậy đi gặp William Cường thì lại có 1 người giám sát theo sau, cảm giác cứ kì kì thế nào ấy – giống kiểu mình là tội phạm truy nã! Hôm làm speaking thì càng nhẹ nhàng, cứ như kiểu đi gặp người quen lâu ngày không gặp ấy. Mà thôi, mình không dám lan man nữa, xin đi thẳng vào nội dung chính của nhật kí này: IELTS – ôn và thi như thế nào cho tốt?
Bước đầu tiên, có lẽ các bạn xem nhiều phim dã sử, cổ trang hay đánh đấm hành động của Hollywood đều phải đồng ý với mình rằng: Trước khi lâm trận thì phải có thời gian training võ nghệ, súng ống, sắp xếp vũ khí, đồ đạc, xe cộ đầy đủ cái đã! Nói cách khác, việc đầu tiên là ta luôn cần phải chuẩn bị về cả vật chất lẫn tinh thần.

      I.          Preparations

v Tinh thần: Bạn nên tự đặt ra cho mình 1 câu hỏi như sau: Mình thi IELTS để làm gì? Đừng có trả lời kiểu: bạn bè thi nhau ôn IELTS, học IELTS, thi IELTS thì mình cũng phải bắt theo xu hướng chứ. Hoặc: thi IELTS để còn khoe với mọi người trình độ tiếng Anh siêu khủng của tui chứ bộ. Nope, nếu bạn đã có suy nghĩ kiểu đấy thì mình xin lỗi nhưng bạn không nên đăng kí thi làm gì cho mất công. Vì IELTS đơn giản không phải là 1 tờ chứng chỉ có vài dòng chữ nguệch ngoạc cho xong đâu. Nó là 1 bài test, mà 1 bài test được sinh ra để làm gì. Để người ta đánh giá bạn, sau đó mở ra cho bạn những cơ hội to bé khác nhau, tương ứng với mức điểm mà bạn đạt được. Ví dụ, IELTS 6.5 là đủ để bạn nộp đơn ứng tuyển các công ty nước ngoài rồi. Nhưng nếu bạn muốn đặt chân đến những phương trời mới, nhiều khi 7 chấm mới đủ đấy.
Quay lại với bản thân mình, mình đã xác định từ đầu: thi IELTS là để còn đi Master’s. Vâng, không phải để khoe, không phải chạy theo xu hướng ạ. Để đi Master’s. Ước mơ cả đời của mình đấy. Đó là lí do mà đến tận mùa hè cuối cùng của đời sinh viên, mình mới bắt đầu đăng kí thi IELTS. Vậy các bạn hẳn đã rõ? Tự hỏi mình về mục đích khi thi IELTS không những giúp bạn có thái độ nghiêm túc hơn với việc ôn thi và còn gián tiếp giúp bạn xác định được thời điểm khi nào cần thiết phải thi (nhớ là IELTS chỉ có hạn sử dụng 2 năm thôi nhé, hết hạn là bạn lại nộp 3.5 củ để thi lại đó).
v Vật chất: Thực ra nói vật chất cũng không đúng. Ý mình đây là những việc thuộc phạm trù “học tập” mà bạn cần chuẩn bị trước khi bước vào quá trình ôn luyện “vừa gian khổ vừa vẻ vang”. Có nhiều thứ bạn có thể làm để tạo cho mình 1 vốn tiếng Anh vừa phải để có thể nuốt trọn giáo án ôn thi IELTS. Dưới đây là những gì mình đã làm, các bạn có thể tham khảo và tự đưa ra những ý tưởng cho việc chuẩn bị của riêng mình:
-    Listening: Mình khá là nghiện phim bom tấm cũng như các show Hollywood, từ The Dark Knight đến The Walking Dead chỉ cách nhau có… hừm, 1 năm thì phải. Vừa xem phim, vừa luyện nghe, vừa biết được cách nói chuyện của Tây như thế nào. Một công ba việc nhỉ. Ngoài ra, mình còn hay nghe nhạc US/UK nữa, giờ trong playlist của mình 100% là nhạc tiếng Anh. Cài này mình không bắt ép các bạn, vì đây là vấn đề thuộc về sở thích. Cơ mà thực sự học tiếng Anh qua bài hát đã được chứng mình bằng khoa học là 1 phương pháp siêu hiệu quả, nên tội gì bạn không thử đúng không?
-    Reading/Writing/ Vocabulary: Hơi ngại khi phải nói là mình chuẩn bị cho phần này 1 cách cực kì “tài tử”. Các bạn có thể tự tìm tòi các nguồn khác nhau, vì thực ra mình cũng lười phần này. 1 cách hay là hễ các bạn đọc hay xem những từ tiếng Anh nào lạ, lập tức tra từ điển rồi note ra nháp ngay khi có thể.
-    Speaking: Nhắc đến cái này, mình cũng có 1 thời khá là hoảng. 1 phần vì ít luyện tập nên ngại nói vì sợ sai pronunciation, intonation các kiểu, 1 phần vì mình là người ít nói nên cũng càng không có tâm lí muốn luyện speaking. Ấy mà khi lên đại học, mình đã lên dây cót tinh thần là phải chữa trị căn bệnh này triệt để. Và thế là mình join Hanoikids – 1 CLB ở Hà Nội chuyên về dẫn tour cho khách du lịch (các bạn cứ google là ra à). Ngoài ra còn nhiều CLB mà bạn có thể thử sức: English Club FTU, AIESEC, … Đây là những môi trường luyện tiếng Anh giao tiếp rất tốt, vừa vui vẻ lại vừa bổ ích. Tóm lại, về mảng này, mình đúc rút 1 điều là: Muốn lên trình speaking, hãy gặp người Tây và “hello” với họ thường xuyên. Bạn nghĩ người dân tộc vùng cao ở Sapa, nghèo khổ quanh năm, thể mà họ nói tiếng Anh như gió là nhờ vào đâu? Tự bạn chắc cũng trả lời được rồi chứ. Đừng ngại, vì ai cũng sẽ có cảm giác như thế khi gặp 1 người lạ hoắc. Can đảm bước ra khỏi comfort zone của mình, và rồi bạn sẽ học được rất nhiều điều bổ ích.
Xong tạm phần prep rồi, giờ là đến thời gian biểu dành cho việc ôn thi IELTS của mình

    II.          Fighting

Trước tiên, đó phải là thời điểm thi. Mình để đến mùa hè vì đơn giản khi đó trường lớp nghỉ hết rồi, không có bài tập nhóm, không có thi thố gì cả. Lúc đó mình mới có thể toàn tâm toàn ý vào IELTS. Nói vậy không có nghĩa là mình đang khuyên các bạn chỉ nên thi IELTS vào mùa hè nhé. Tùy theo cảm giác của bạn, liệu bạn có thể vừa cân bằng việc học ở trường, việc tham gia CLB, việc đi làm thêm và việc ôn IELTS hay không. Nếu bạn thấy ok với bấy nhiêu thứ đó, thì cứ đăng kí thi lúc nào bạn thấy thoải mái về thời gian nhất. Mùa đông, mùa hè, doesn’t matter. Miễn là cái ngày thi đấy phải cụ thể hẳn ra nhé, đừng chung chung kiểu tháng 06, tháng 07,… Vì khi đó, bạn mới có thể biết ngày nào mình cần bắt đầu công cuộc ôn luyện thần thánh.
Mình đã dành đúng 1 tháng kể từ đầu tháng 07 đến ngày 25/7, cụ thể như thế này:
1.     Listening + Reading: 1 tuần
Mình khá tự tin với phần này, vì trước đó mình cũng đã luyện 2 skills này rồi. Đây có lẽ là 2 skills dễ luyện nhất, vì bạn có thể luyện đề bất cứ lúc nào cũng được. Trong suốt 3 năm học đại học, trung bình cứ 1 tháng thì mình làm 1 bài reading và 1 bài listening. Khá lười phải không? Thực ra với việc thường xuyên xem phim, nghe nhạc, cộng với việc phải đọc nhiều textbook bằng tiếng Anh nên mình cũng đã tự tạo được thói quan nghe và đọc tiếng Anh tương đối ổn. Việc ôn luyện chỉ nhằm mục đích làm quen với time management và tăng số điểm lên mức tuyệt đối mà thôi. Thường thì khi mình làm với tinh thần “cho vui” thì số điểm thường rơi vào khoảng 30-34/40. Cơ mà trong cái tuần ôn thi căng thẳng này thì mình tự target bản thân lên tối thiểu 35/40, vì khi đó bạn sẽ được tối thiểu là 8.5 cho listening và reading rồi. Việc đặt 1 cái target như thế sẽ khiến mình thêm quyết tâm và chú tâm vào việc ôn luyện cũng như những thủ thuật để nghe tốt và đọc nhanh hơn
-    Advice 1: Đối với listening, để nghe được ngon lành thì quan trọng hơn cả là bạn phải quen giọng của speaker. Anh hay Mĩ hay Úc, bạn đều phải cảm giác dễ nghe – điều này cần có thời gian chuẩn bị thông qua xem phim, nghe nhạc, xem CNN/BCC, các trang báo quốc tế như Wall Street Journal, Business Insider, … Trong khi làm đề, cần tranh thủ thời gian speaker đang đọc hướng dẫn để skim trước các ý, xem xem ở mỗi loại câu hỏi thì mình cần viết cái gì vào (chẳng hạn, word limit như thế nào, từ loại ra sao, số má như thế nào…) Đối với những cái bẫy chết người như là “danh từ số nhiều” (có “s” hay không), bạn cần phải tập trung hơn – và nên skim trước bài đọc để đoán xem liệu nên điền danh từ số ít hay số nhiều thì hợp nghĩa hơn.
-    Advice 2: Còn đối với reading, chắc mình không phải nói nhiều nữa, skimming là kĩ năng cơ bản nhất – nó giống như cơm ăn nước uống hàng ngày ấy. Không thể skim thì bạn chắc chắn không thể đạt điểm tuyệt đối được. Lưu ý với những câu khó như câu heading, câu T/F/NG thì ngoài kĩ năng skimming ra, bạn cần phải có khả năng paraphrasing thật tốt. Điều này cần bạn phải gây dựng một vốn từ tương đối để nắm được nhiều cách diễn đạt khác nhau cho cùng 1 nội dung (ví dụ: increase greatly = grow significantly = climb dramatically = rocket = …). Đồng thời hãy tập trung vào nghĩa của câu, chứ đừng chỉ hoàn toàn tập trung vào từ ngữ không. Xem thử xem lựa chọn ấy có ý nghĩa tương đương với câu mẫu trong bài đọc không, dù rằng từ ngữ sử dụng có thể khác nhau. Điều này giúp bạn tránh được những cái bẫy vô cùng nguy hiểm của IELTS (đặc biệt là các từ như never, always, all, none,…)
-    Textbooks: Cambridge full bộ 8 quyển (cái này quá cơ bản rồi, luyện xong thì các bạn tẩy đi làm lại để rút ra các lỗi sai mà mình mắc phải). Ngoài ra có thể lấy các sách sau: IELTS Listening Actual Test 2008-2013, IELTS Reading Actual Tests 2007-2011 (mua ở Đinh Lễ cho rẻ) hoặc ebooks download ở fanpage IELTS step-by-step trên FB.
2.     Writing: 1,5 tuần
Writing là 1 kĩ năng khó, nhưng không phải là không làm chủ được. Quan trọng là bạn cần luyện tập thật nhiều, và nên có 1 người giám sát chất lượng bài cho bạn. Thường thì cách mình hay làm là mỗi ngày viết 2 đề mẫu, 1 bài Task 1 và 1 bài Task 2, rồi sau đó so sánh với đáp án mẫu. Từ đó rút ra các cách diễn đạt hay hơn. Bạn hoàn toàn có thể học vẹt bằng cách “nấu cháo” thuộc lòng các đáp án mẫu, tuy nhiên cách này khó mà có thể giúp bạn đạt điểm cao vì nó cần trí nhớ “siêu nhân”, đặc biệt sẽ rất vất vả khi vốn từ của bạn quá mỏng. Vì vậy, một lần nữa, khi chuẩn bị cho IELTS bạn cần phải dành thời gian nghiên cứu từ vựng một cách cẩn thận. Lưu ý là đối với writing, những từ vừa formal vừa academic sẽ được đặc biệt đánh giá cao, từ đó mang lại cho bạn điểm cao hơn. Chẳng hạn, với cụm từ “talk to somebody” và “converse with somebody”, bạn nghĩ người chấm sẽ thích kiểu nào hơn? Ngoài ra, bạn cũng cần phải rèn luyện khả năng viết câu phức (tức các câu có từ 2 vế câu trở lên), nâng cao vốn từ vựng về các từ nối (however, nevertheless, …). Và cuối cùng, chẹp, đừng quên word limit và time management nhé. Hãy tập bấm giờ: 20min cho Task 1 và 40min cho Task 2. Vì khi hết giờ, bạn sẽ không được chỉnh sửa gì nữa đâu.
-    Advice 1: Đối với Task 1, vốn từ vựng cần được tập trung vào cách miêu tả số liệu, sự tăng giảm, thay đổi lên xuống, cao thấp,… Cách viết tốt nhất là bạn nên bắt đầu mở bài bằng cách paraphrase đề bài. Sau đó, với phần thân bài, bạn cần mở đầu bằng việc nêu ra chi tiết nổi bật, dễ thấy nhất từ biểu đồ (ví dụ, có 2 đối tượng có xu hướng tăng còn đối tượng còn lại có xu hướng giảm, hoặc đối tượng A luôn dẫn đầu với số liệu cao nhất,…). Tiếp đến, bạn đi vào miêu tả cụ thể về cái chi tiết nổi bật đó, sử dụng số liệu làm dẫn chứng và từ vựng cho Task 1. Next, sang 1 đoạn khác trong phần thân bài, bạn hãy nêu ra 1 chi tiết đối lập hoàn toàn với chi tiết nổi bật kể trên (ví dụ, phần trên đã nói về 2 đối tượng có xu hướng tăng rồi thì phần này mình nói về đối tượng có xu hướng giảm). Cuối cùng là các đối tượng còn lại của bảng biểu mà bạn chưa nêu ra. Nhớ kết bài cho Task 1 – không có kết bài là sẽ bị trừ điểm rất nặng. Kết bài bằng cách: paraphrase lại mở bài + tóm tắt các ý chính trong thân bài.
-    Advice 2: Đối với Task 2, bạn nên nhớ rằng nó chiếm gấp đối điểm so với Task 1, vì vậy bạn cần phải dành tối thiểu 35min cho phần này. Các chủ đề sẽ rất đa dạng: environment, sports, culture, technology, traffic, education… Để viết tốt Task 2, không cách nào khác ngoài việc bạn phải luyện đề thật nhiều cộng với có người hướng dẫn, chấm và sửa bài cho bạn. Mình thường lấy đề thi thật trên fanpage IELTS step-by-step nên các bạn có thể tham khảo.
-    Textbook: High Scoring IELTS Writing Model Answers (based on past papers) – Fang Ting and Wang De Fu. Đây là 1 quyển sách vô cùng bổ ích, không chỉ có bài mẫu mà còn có giải thích cặn kẽ cách dùng từ vựng. Dành cho các bạn target 6.5 và 7 đổ lên. Lưu ý là không có ebook đâu nên là các bạn chịu khó mò ra Đinh Lễ nhé.
3.     Speaking: 1,5 tuần
Cách luyện cho phần này khá đơn giản: tìm đề và tự “chém gió” trước gương hàng ngày. Trung bình mỗi ngày mình cày 5 đề, trong đó 1 đề cho Part 1, 2 đề cho Part 2 và 2 đề cho Part 3 có nội dung liên quan đến 2 đề của Part 2. Không quan trọng là đề luyện bạn kiếm ở đâu (có thể là trong bộ Cambridge, các page chia sẻ đề thi thật, hay đơn giản chỉ là từ anh google), miễn là khi bạn tập nói, nhớ cầm 1 cái stopwatch nhé. Hãy kiểm tra phần nói của mình trong tối đa 2min cho mỗi đề thôi nhé. Lưu ý khi nói, hãy quan tâm đến độ trôi chảy (fluency), độ phát âm (pronunciation), độ nhấn câu (intonation), từ vựng (vocabulary) và quan trọng nhất – cũng là khó nhất – chính là độ tự nhiên của giọng nói (speaking natural English)
-    Advice: Để có thể luyện nói 1 cách “natural” – tức là nói chuyện 1 cách thoải mái giữa những người bạn với nhau, bạn nên nghĩa cuộc thi này giống như 1 cuộc chơi thôi – đừng nên tỏ ra căng thẳng. Ngoài ra, bạn cần phải thực hành speaking với người Tây để làm quen với cách nói chuyện dân dã của họ. Tiếng lóng và các từ nói tắt được chào đón thoải mái, miễn là nó không được mang nghĩa tục tĩu =)) Kiểu như khi nói mà bạn chưa kịp nghĩ ra ý, đừng ậm ừ cho qua mà hãy sử dụng các cấu trúc như: kinda, I mean, actually, what I mean is, let me think,… Và các cách nói tắt: gonna, wanna, have to). Các bạn nên tham khảo video clip của Dan Hauer – 1 thầy giáo dạy tiếng anh ở BC – với chủ đề “Nói sai cho chuẩn” để có được cách nói tiếng Anh tự nhiên nhất.
Tạm vậy nha, hi vọng sẽ giúp ích được nhiều cho các bạn. Chúc những ai đã, đang và sẽ bước vào cuộc chiến “thú vị” này sẽ đạt được những gì mình mong đợi.”
Tác giả: Lê Trung Kiên: https://www.facebook.com/trungkienle.hnks
CHUYỂN ĐỔI VĂN BẰNG ĐIỀU DƯỠNG ÁO