Speaking IELTS: Phần nào quan trọng nhất?
Cách chấm điểm speaking Ielts có giống như phần Writing Ielts?
Trước tiên, các bạn cần hiểu rằng khác với khi chấm điểm Writing là giám khảo sẽ chấm điểm từng bài rồi chia theo tỉ lệ, người chấm IELTS Speaking sẽ tính điểm dựa trên sự thể hiện của bạn xuyên suốt cả bài thi Speaking. Điều này có nghĩa là 3 Parts không được tính điểm riêng biệt, do đó có thể khẳng định 1 điều rằng không có phần nào trong 3 phần thi nói là quan trọng hơn cả. Dù vậy, mục đích và đặc điểm của từng Part vẫn có sự khác biệt, được nêu rõ dưới đây:
Part 1: phần khởi động của bài nói
Ở phần này, các bạn chỉ cần trả lời thật trôi chảy và tự tin chứ chưa phải thể hiện vốn từ vựng cũng như ngữ pháp nổi trội. Do vậy, bạn sẽ không đạt được điểm cao nếu bạn chỉ trả lời tốt ở Part 1. Tuy nhiên, thể hiện tốt ở phần này sẽ giúp bạn gây được ấn tượng tích cực đối với người chấm và phần nào thể hiện được khả năng ngôn ngữ của mình. Những câu trả lời ngắn gọn và chung chung như là: “Yes, I like listening to music.” sẽ không được đánh giá cao. Thay vào đó, bạn nên trả lời trong khoảng 2 đến 3 câu như sau: “Yes, I often spend my leisure time listening to music, especially ballad songs with soothing melodies. They help me chill out after an exhausting day or when I suffer from stress at work.”
Sau phần này, giám khảo đã có thể bước đầu định hình được điểm số bạn có thể đạt được.
Part 2: đánh giá khả năng thực sự của thí sinh
Mục tiêu chính của Part 2 không phải là khả năng giao tiếp mà là khả năng trình bày vấn đề của người nói. Do các bạn có 1′ để chuẩn bị cho phần này, giám khảo sẽ yêu cầu thí sinh thể hiện vốn từ vựng, ngữ pháp ở trình độ cao hơn bên cạnh khả năng nói lưu loát. Vì thế, trong suốt 1 – 2 phút trình bày, các bạn cần cố gắng thể hiện sự sâu rộng về từ vựng và ngữ pháp nhiều nhất có thể. Chú ý là với mỗi ý trong bài nói, các bạn cần trình bày, miêu tả thật chi tiết với lời giải thích hợp lý để thể hiện khả năng tư duy của bản thân. Bạn có thể thêm ví dụ trong quá khứ, điều này cũng giúp bạn thể hiện khả năng sử dụng thì hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nói có cảm xúc phù hợp với nội dung bài nói cũng giúp bạn có ngữ điệu trôi chảy hơn, cụ thể là khi nói về passion (đam mê) về hoạt động nào đó thì biểu cảm và tông giọng của bạn cũng cần thể hiện được cảm xúc đó.
Sau khi nghe phần trình bày của bạn ở Part này, giám khảo đã có thể xác định được trình độ của bạn tương đương với band score nào.
Tự tin trình bày thật tốt ở cả 3 phần Speaking Ielts (Nguồn: IELTS Fighter)
Part 3: lần nữa khẳng định đánh giá về trình độ của bạn
Trong Part 3, người chấm sẽ hỏi bạn những câu hỏi sâu sắc hơn liên quan đến chủ đề đã bàn ở 2 phần trước. Những câu hỏi ở phần 3 mang tính trừu tượng cao và thường là về những hiện tượng mang tầm vóc thế giới, do đó, yêu cầu khả năng tư duy logic cao. Ở phần này, bạn được yêu cầu phải thể hiện được vốn từ vựng, ngữ pháp, khả năng nói trôi chảy và phát âm chuẩn. Bên cạnh đó, với mỗi ý trả lời, bạn cần cung cấp luận cứ và ví dụ phù hợp để củng cố cho ý chính, qua đó thể hiện khả năng lập luận.
Vì yêu cầu của Part 3 IELTS khá phức tạp, bạn có khả năng đẩy mạnh điểm số của bản thân nếu trả lời tốt ở phần này.
Ngoài những yếu tố nêu trên, các bạn cũng cần lưu ý những điểm sau:
Thứ nhất, giám khảo không có câu trả lời mẫu cũng như yêu cầu về ý tưởng của thí sinh. Điểm số của bạn hoàn toàn dựa vào khả năng sử dụng tiếng Anh bao gồm từ vựng, ngữ pháp, ngữ điệu, phát âm, và khả năng lập luận. Do đó, các bạn không cần phải trả lời theo một khung trả lời có sẵn. Các bạn cũng không cần lo về việc phải trả lời đúng ý giám khảo vì không có câu trả lời đúng trong phần thi này, ví dụ, bạn có thể bộc lộ quan điểm không ủng hộ bảo vệ môi trường miễn là bạn nêu được lý do thể hiện niềm tin của bản thân.
Thứ hai, bạn không cần phải trả lời hết các câu hỏi trong phần thi IELTS. Cụ thể, điểm số bạn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều nếu bạn trả lời tốt 9/10 câu hỏi. Nếu không thể trả lời hoặc không hiểu câu hỏi của giám khảo, bạn hãy thẳng thắn với người chấm về điều này thay vì trả lời bừa.
>> 7 cụm từ Tiếng Anh phải biết trong đàm phán kinh doanh
>> 15 sự thật thú vị về từ tiếng Anh
Nguồn: TuhocIelts
Bình luận